1

Hỏi – Đáp thuế Thu Nhập Cá Nhân : Kê khai, nộp và quyết toán thuế đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công

KHÓA HỌC KẾ TOÁN KÈM RIÊNG THEO YÊU CẦU 1-1 xem ngay

KHÓA HỌC KẾ TOÁN NỘI BỘ CẤP TỐC ONLINE xem ngay

LỚP HỌC CHỨNG CHỈ KẾ TOÁN TRƯỞNG xem ngay

Câu 1:

Thu nhập tính thuế đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công của cá nhân cư trú được xác định như thế nào?

Trả lời: Cá nhân việt nam hay người nước ngoài là đối tượng cư trú tại Việt nam, có thu nhập từ tiền lương, tiền công thì khoản thu nhập này là khoản thu nhập chịu thuế theo qui định của luật thuế thu nhập cá nhân (TNCN). Hàng tháng khi phát sinh khoản thu nhập từ tiền lương, cá nhân không phải kê khai thuế mà cơ quan trả thu nhập thực hiện kê khai, khấu trừ và nộp thay. Khoản thu nhập từ tiền lương, tiền công được tính theo năm, được giảm trừ gia cảnh, trừ các khoản đóng bảo biểm bắt buộc, được trừ khoản đóng góp từ thiện, nhân đạo. Vì vậy, hàng tháng trước khi tính và khấu trừ thuế cơ quan trả thu nhập cần xác định thu nhập tính thuế, công thức cụ thể như sau:

Thu nhập tính thuế từ tiền lương, tiền công = Thu nhập chịu thuế -Khoản đóng góp bảo hiểm bắt buộc: BHXH, BHYT, BHTN -Giảm trừ gia cảnh và trừ khoản đóng góp từ thiện, nhân đạo

Trong các khoản giảm trừ trên có khoản giảm trừ đóng góp từ thiện, nhân đạo là khoản tiền các nhân tự đóng góp, nên khi kê khai khấu trừ thuế cơ quan trả thu nhập không thể kê khai khấu trừ ngay khoản này được mà để cuối năm khi quyết toán thuế, nếu cá nhân có duy nhất khoản thu nhập tại cơ quan trả thu nhập và có uỷ quyền cho cơ quan trả thu nhập quyết toán thay thì lúc đó tính khoản giảm trừ này. Chỉ trong trường hợp cá nhân tự khai thuế như cá nhân kinh doanh thì khoản đóng góp này phát sinh tháng nào được kê khai giảm trừ của tháng đó.

Câu 2: Thu nhập chịu thuế từ tiền lương, tiền công được xác định như thế nào?

Trả lời: Thu nhập chịu thuế từ tiền lương, tiền công được xác định bằng tổng tiền lương, tiền công, tiền thù lao và các khoản thu nhập khác có tính chất tiền lương, tiền công mà người nộp thuế nhận được trong kỳ tính thuế, trừ một số khoản thu nhập không chịu thuế được qui định cụ thể tại các câu sau của mục này. Các khoản thu nhập từ tiền lương, tiền công bao gồm:

– Tiền lương, tiền công và các khoản có tính chất tiền lương, tiền công;

– Các khoản phụ cấp, trợ cấp;

– Tiền thù lao dưới các hình thức;

– Tiền nhận được từ tham gia Hiệp hội kinh doanh, Hội đồng quản trị, ban kiểm soát, hội đồng quản lý và các tổ chức;

– Các khoản thưởng như tháng, quý, năm, thưởng đột xuất, thưởng tháng lương thứ 13 bằng tiền hoặc không bằng tiền (kể cả thưởng bằng chứng khoán). Thưởng bằng cổ phiếu thì giá trị thưởng được xác định theo mức thưởng ghi trên sổ sách kế toán.

– Các khoản lợi ích bằng tiền hoặc không bằng tiền như: tiền thuê nhà; phương tiện phục vụ đưa đón người lao động từ nơi ở đến nơi làm việc và ngược lại; tiền mua bảo hiểm đối với loại không bắt buộc người sử dụng lao động phải mua cho người lao động; các khoản chi vui chơi giả trí, dịch vụ cho cá nhân.

Câu 3: Khoản tiền thuê nhà cho cá nhân do đơn vị sử dụng lao động chi trả hộ được xác định thu nhập chịu thuế như thế nào?

Trả lời:Thông tư số 62/2009/TT-BTC ngày 27 tháng 3 năm 2009 của Bộ Tài chính quy định: Khoản tiền thuê nhà cho cá nhân do đơn vị sử dụng lao động chi trả hộ phải tính vào thu nhập chịu thuế theo số thực tế chi trả hộ nhưng không vượt quá 15% tổng thu nhập chịu thuế (chưa bao gồm tiền thuê nhà).

Ví dụ 1: Theo hợp đồng lao động, Ông X được doanh nghiệp Y chi trả tiền thuê nhà là 20 tr /đ/th; tiền thuê nhà do doanh nghiệp chuyển trả trực tiếp cho chủ nhà cho thuê. Thu nhập thực tế chịu thuế của Ông X là 100 tr/đ/th.

Thu nhập chịu thuế thu nhập CN của Ông X bao gồm cả tiền thuê nhà là : 115 tr/đ/th = 100 tr + ( 100 tr x 15%)

Ví dụ 2: Theo hợp đồng lao động, Ông A được doanh nghiệp B chi trả tiền thuê nhà là 10 tr /đ/th; tiền thuê nhà do doanh nghiệp chuyển trả trực tiếp cho chủ nhà cho thuê. Thu nhập chịu thuế từ tiền lương của Ông A là 100 tr/đ/th.

Trong trường hợp này tiền thuê nhà 10 tr là thấp hơn 15% thu nhập chịu thuế nên thu nhập chịu thuế của Ông A sẽ được tính trên cơ sở thu nhập chịu thuế và tiền thuê nhà thực tế .

Thu nhập chịu thuế thu nhập CN của Ông A là : 110 tr/đ/th = 100 tr + 10tr

Trường hợp cá nhân ở tại trụ sở làm việc thì thu nhập chịu thuế căn cứ vào tiền thuê nhà, hoặc chi phí khấu hao, tiền điện, nước và các dịch vụ khác tính theo tỷ lệ giữa diện tích cá nhân sử dụng với diện tích trụ sở làm việc. nhưng không vượt quá 15% tổng thu nhập chịu thuế.

Câu 4: Thu nhập chịu thuế đối với trường hợp người lao động được đưa đón bằng phương tiện xe cơ quan từ nơi ở đến nơi làm việc và ngược lại được xác định như thế nào?

Trả lời: Thông tư số 62/2009/TT-BTC ngày 27 tháng 3 năm 2009 của Bộ Tài chính quy định: Đối với khoản chi về phương tiện phục vụ đưa đón tập thể người lao động từ nơi ở đến nơi làm việc và ngược lại thì không tính vào thu nhập chịu thuế của người lao động; trường hợp chỉ chuyên đưa đón riêng từng cá nhân thì phải tính vào thu nhập chịu thuế của cá nhân được đưa đón.

Đơn vị chi trả thu nhập căn cứ vào thời gian sử dụng phương tiện, chi phí nhiên liệu phục vụ đưa đón cá nhân, tự xác định thu nhập cá nhân thụ hưởng để kê khai vào thu nhập chịu thuế của cá nhân đó; đồng thời thông báo cho cá nhân thụ hưởng biết để cá nhân đó kê khai vào thu nhập của mình khi quyết toán thuế (CV 451/TCT-TNCN ngày 08 tháng 02 năm 2010 hướng dẫn Quyết toán thuế thu nhập cá nhân năm 2009)

Ví dụ: Anh B là giám đốc Công ty TNHH, Anh có xe đưa đón đi làm hàng ngày. Công ty tính chi phí tiền đi lại cho anh A như sau :quãng đường từ nhà đến Công ty là 10 km x 2 lần x 22 ngày = 440 km. Với 8 lit xăng cho 100 km thì lượng tiêu hao xăng một tháng là 35,2 lit x 20.000 đ/lit = 704.000 đồng. Khoản thu nhập 704.000 đồng /tháng là khoản thu nhập chịu thuế của Anh B.

Câu 5: Khoản tiền ăn giữa ca của người lao động được xác định vào thu nhập chịu thuế như thế nào?

Trả lời: Không tính vào thu nhập chịu thuế của người lao động nếu người sử dụng lao động trực tiếp tổ chức bữa giữa ca cho người lao động (ăn giữa ca bằng hiện vật)

Trường hợp, đơn vị chi trả thu nhập không trực tiếp tổ chức bữa ăn ca mà chi tiền ăn ca trực tiếp cho người lao động thì không tính vào thu nhập chịu thuế thuế của người lao động nếu mức chi phù hợp với hướng dẫn của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội. Trường hợp chi cao hơn mức hướng dẫn của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội thì phần chi vượt mức phải tính vào thu nhập chịu thuế của người lao động.

Mức chi cụ thể áp dụng đối với doanh nghiệp nhà nước và các tổ chức, đơn vị được phép hoạt động kinh doanh thuộc cơ quan hành chính, sự nghiệp, đảng, đoàn thể, các hội không quá mức quy định của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội. Đối với các doanh nghiệp ngoài nhà nước và các tổ chức khác, mức chi do thủ trưởng đơn vị thống nhất với chủ tịch công đoàn quyết định nhưng mức tối đa cũng không vượt quá mức áp dụng đối với doanh nghiệp nhà nước.

Theo đó:

Từ ngày 1/5/09 đến ngày 14 tháng 6 năm 2011 mức ăn giữa ca không chịu thuế TNCN là không quá 550.000 đ/tháng (quy định tại TT số 10/2009/TT-BLĐTBXH ngày 24/4/09 có hiệu lực từ 1/5/09) .

Từ ngày 15 tháng 6 năm 2011, mức chi tiền ăn giữa ca cho người LĐ không chịu thuế TNCN là không quá 620.000 đ/tháng (TTSố: 12/2011/TT-BLĐTBXH ngày 26/04 /2011 có hiệu lực từ 15 tháng 6 năm 2011.

Mức chi ăn giữa ca trên 550.000 đ/tháng hoặc 620.000 đ/tháng tương ứng với thời gian trên phải chịu thuế TNCN.

Câu 6: Xác định thu nhập chịu thuế đối với công tác phí như thế nào?

Trả lời:

Thông tư số 62/2009/TT-BTC ngày 27 tháng 3 năm 2009 quy định: Đối với khoản chi công tác phí,… không tính vào thu nhập chịu thuế nếu mức khoán chi phù hợp với quy định của Nhà nước hiện hành:

a. Đối với người lao động làm việc trong các tổ chức kinh doanh, các văn phòng đại diện: mức khoán chi áp dụng phù hợp với mức xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp theo các văn bản hướng dẫn thi hành Luật thuế thu nhập doanh nghiệp.

Theo đó, tại Thông tư số TT 18/2011/TT- BTC của Bộ tài chính ngày 10/2/2011 quy định:

– Phần chi phụ cấp cho người lao động đi công tác trong nước và nước ngoài được hạch toán vào chi phí tính thuế TNDN không quá 2 lần mức quy định theo hướng dẫn của Bộ Tài chính đối với cán bộ công chức, viên chức Nhà nước.

– Chi phí đi lại và tiền thuê chỗ ở cho người LĐ đi công tác nếu có đầy đủ HĐCT hợp pháp theo quy định. Trường hợp DN có khoán tiền đi lại và tiền ở thì được tính vào chi phí được trừ khoản chi khoán tiền đi lại và tiền ở theo quy định của Bộ Tài chính đối với cán bộ công chức, viên chức Nhà nước

Các văn bản hướng dẫn của Bộ Tài chính đối với cán bộ công chức, viên chức Nhà nước trong lĩnh vực này là:

+ TT số 91/2005/TT-BTC ngày 18/10/2005 quy định chế độ công tác phí …đi công tác ngắn hạn ở nước ngoài;

+ TT Số 97/2010/TT-BTC ngày 06 /7/2010 đối với đi công tác trong nước

Theo đó, chi công tác phí không quá 2 lần mức quy định; chi khoán công tác phí bằng tiền theo hướng dẫn tại các văn bản trên của Bộ Tài chính sẽ không tính vào thu nhập chịu thuế.

b. Đối với người lao động làm việc trong các tổ chức quốc tế, các văn phòng đại diện của tổ chức nước ngoài: mức khoán chi thực hiện theo quy định của Tổ chức, văn phòng đại diện của tổ chức nước ngoài.

c. Đối với cán bộ, công chức và người làm việc trong các cơ quan hành chính sự nghiệp, đoàn thể: mức khoán chi áp dụng theo văn bản hướng dẫn của Bộ Tài chính

Câu 7: Khoản chi trang phục của người lao động được xác định vào thu nhập chịu thuế như thế nào?

Trả lời:

Thông tư số 62/2009/TT-BTC ngày 27 tháng 3 năm 2009 quy định: Đối với khoản trang phục,… không tính vào thu nhập chịu thuế nếu mức khoán chi phù hợp với quy định của Nhà nước hiện hành.

a. Đối với người lao động làm việc trong các tổ chức kinh doanh, các văn phòng đại diện: mức khoán chi áp dụng phù hợp với mức xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp theo các văn bản hướng dẫn thi hành Luật thuế thu nhập doanh nghiệp.

Theo đó, tại Thông tư số TT 18/2011/TT- BTC của Bộ tài chính ngày 10/2/2011 quy định:

– Chi trang phục bằng hiện vật cho người lao động có hoá đơn, chứng từ; chi trang phục bằng tiền, bằng hiện vật cho người lao động không vượt quá 05 (năm) triệu đồng/người/năm.

– Trường hợp doanh nghiệp có chi trang phục cả bằng tiền và hiện vật thì mức chi tối đa để tính vào CP được trừ khi xác định TNCT không vượt quá 05 (năm) triệu đồng/người/năm.

– Đối với những ngành kinh doanh có tính chất đặc thù thì chi phí này được thực hiện theo quy định cụ thể của Bộ Tài chính.

Theo đó, mức chi trang phục đến mức 05 (năm) triệu đồng/người/năm theo hướng dẫn tại các văn bản trên của Bộ Tài chính sẽ không tính vào thu nhập chịu thuế . Phần vượt mức 05 (năm) triệu đồng/người/năm phải tính vào thu nhập chịu thuế TNCN.

Câu 8: Các khoản khoán chi như văn phòng phẩm, điện thoại, trường hợp Luật thuế Thu nhập doanh nghiệp và các văn bản hướng dẫn Luật thuế TNDN không có hướng dẫn cụ thể thì xác định thu nhập chịu thuế như thế nào?

Trả lời:

Tổng cục thuế có công văn 451/TCT-TNCN, ngày 08/02/2010 hướng dẫn quyết toán thuế năm 2009:

Đối với các khoản khoán chi (như văn phòng phẩm, điện thoại, trang phục, ăn ca,…) nếu đã có văn bản hướng dẫn của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về đối tượng được hưởng, về chế độ chi thì thực hiện theo hướng dẫn của văn bản đó và không tính vào thu nhập của cá nhân nhận khoản khoán thu nhập này.

Đối với các đơn vị chi trả thu nhập là doanh nghiệp, mức khoản chi được thực hiện theo quy định của Luật thuế Thu nhập doanh nghiệp và các văn bản hướng dẫn của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp.

Trường hợp Luật thuế Thu nhập doanh nghiệp và các văn bản hướng dẫn Luật thuế Thu nhập doanh nghiệp không có hướng dẫn cụ thể về mức khoán chi thì mức khoán chi được thực hiện theo quyết định của Hội đồng quản trị hoặc giám đốc hoặc Hội đồng thành viên (đối với doanh nghiệp);

Các trường hợp chi cao hơn mức khoán quy định thì phần khoán chi cao hơn quy định phải tính vào thu nhập chịu thuế.

Câu 9: Thu nhập chịu thuế từ khoản lợi ích không bằng tiền khác được xác định như thế nào?

Trả lời:

Thông tư số 62/2009/TT-BTC ngày 27 tháng 3 năm 2009 quy định:

– Đối với các khoản phí hội viên như thẻ hội viên sân gôn, sân quần vợt, thẻ sinh hoạt các câu lạc bộ văn hoá nghệ thuật, thể dục thể thao… nếu ghi đích danh cá nhân hoặc nhóm cá nhân sử dụng thì tính vào thu nhập chịu thuế của từng cá nhân sử dụng. Trường hợp được sử dụng chung, không ghi tên cá nhân hoặc nhóm cá nhân sử dụng thì không tính vào thu nhập chịu thuế.

– Đối với các khoản chi dịch vụ khác phục vụ cho cá nhân trong hoạt động chăm sóc sức khoẻ, vui chơi, thể thao, giải trí thẩm mỹ… nếu chi trả ghi rõ tên cá nhân được hưởng thì tính vào thu nhập chịu thuế của cá nhân. Trường hợp không ghi tên cá nhân được hưởng mà chi chung cho tập thể người lao động thì không tính vào thu nhập chịu thuế.

– Đối với khoản chi trả hộ tiền đào tạo nâng cao trình độ, tay nghề cho người lao động phù hợp với công việc chuyên môn của người lao động hoặc theo kế hoạch của đơn vị sử dụng lao động thì không tính vào thu nhập của người lao động. Trường hợp đào tạo không đúng chuyên môn nghiệp vụ hoặc không nằm trong kế hoạch của đơn vị thì phải tính vào thu nhập chịu thuế của người lao động.

-Chi hỗ trợ thêm ngoài chế độ quy định cho các đối tượng là người lao động nghi hưu trước tuổi, lao động được hưởng trợ cấp thôi việc một lần từ Quỹ sắp xếp đối mới cơ cấu lao động thì khoản thu nhập này là khoản thu nhập chịu thuế TNCN (CV 4059/TCT-TNC , ngày 11/10/2009).

– Các khoản lợi ích khác như: thuê các dịch vụ tư vấn như thuê kê khai thuế; chi cho người giúp việc gia đình: lái xe, người nấu ăn, người làm các công việc khác trong gia đình theo hợp đồng cũng thuộc TN chịu thuế.

LỚP TIN HỌC VĂN PHÒNG CƠ BẢNxem ngay

LỚP HỌC CHỨNG CHỈ KẾ TOÁNxem ngay

KHÓA HỌC KẾ TOÁN CHO GIÁM ĐỐC CHỦ DOANH NGHIỆPxem ngay


    TƯ VẤN MIỄN PHÍ - HỖ TRỢ 24/7

    Nếu bạn đang quan tâm " KHÓA KẾ TOÁN TỔNG HỢP THỰC TẾ " thì hãy để lại thông tin tại đây. Chúng tôi sẽ liên hệ lại ngay để hỗ trợ bạn.

    Địa chỉ học(*): Hà NộiTP HCMTỉnh Khác

    Leave a Reply

    Your email address will not be published. Required fields are marked *